Phần 1: Trẻ em học ngôn ngữ như thế nào? (1)
Một số nhà nghiên cứu cho rằng trẻ em nghe được âm thanh ngôn ngữ từ trong bụng mẹ. Họ cho tiến hành một thí nghiệm để chứng minh điều này. Trước tiên, họ cho những người mẹ trong thai kỳ cuối (3 tháng cuối) chọn một trong ba câu chuyện của trẻ em và đọc nó cho em bé trong bụng nghe mỗi ngày hai lần, cho đến ngày lâm bồn. Ba ngày sau khi các em bé chào đời, họ cho các bé nghe ba câu chuyện được thu băng. Kết quả cho thấy các bé phản ứng rõ rệt với câu chuyện đã từng được nghe nhiều lần trong bụng mẹ.
… Sắp tới mình sẽ làm một nghiên cứu về việc trẻ em song ngữ ở Singapore đắc thụ năng lực ngữ dụng trong tiếng Anh như thế nào (đề tài đã được duyệt và cấp kinh phí). Đối tượng nghiên cứu của mình là các em bé từ 2 tuổi đến 5 tuổi, lứa tuổi mà sự phát triển ngôn ngữ diễn ra mạnh mẽ nhất trong cuộc đời một con người. Có lẽ các bạn không biết rằng, khoảng 90% khả năng ngôn ngữ của con người được đắc thụ trong giai đoạn trước khi chúng ta bước vào lớp một :). Mười phần trăm còn lại sẽ được hoàn thiện dần trong những năm đi học ở nhà trường.
Thật đáng kinh ngạc phải không? Các nhà nghiên cứu ngôn ngữ trẻ em đều quan tâm đến câu hỏi, việc học ngôn ngữ diễn ra như thế nào trong những năm đầu đời, và bắt đầu từ khi nào. Theo các bạn thì là khi nào? Các bạn có tin nếu mình nói việc học ngôn ngữ diễn ra trước khi các em bé chào đời, nghĩa là từ trong bụng mẹ?
Điều này chứng tỏ ngay từ khi chỉ là một bào thai, các bé đã ‘bắt nhịp’ được với những âm tiết trong ngôn ngữ mẹ đẻ. Và điều này cũng chứng tỏ não của các bào thai được cấu tạo để xử lý các âm tiết của ngôn ngữ con người.
Quá trình phát triển ngữ âm diễn ra từ rất sớm. Đến khoảng tháng thứ mười, bé bắt đầu biết tạo ra các âm tiết trong tiếng mẹ đẻ. Ngữ điệu là cái mà bé có thể sử dụng đầu tiên để tạo nghĩa, ngay cả trước khi các bé có thể phát âm được một cách rõ ràng các âm tiết. Không biết mọi người đã xem đoạn youtube về hai em bé sinh đôi nói chuyện với nhau chưa?
Đoạn video này cho thấy hai bé đã biết sử dụng ngữ điệu thành thạo để giao tiếp, rất buồn cười và đáng yêu 🙂 (điều đặc biệt về hai bé này là các bé còn biết cách take turn rất giống người lớn khi hội thoại nữa :P). Một ví dụ khác mình hay lấy cho sinh viên xem là đoạn video này:
Em bé trong đoạn video này chưa phát âm sõi được một số từ nhưng đã có thể bắt chước ngữ điệu rất giống bố :).
Từ một tuổi đến 5 tuổi, trẻ em phát triển ngôn ngữ rất nhanh. Cột mốc đầu tiên là sau sinh nhật một tuổi các bé bắt đầu phát âm được một số từ (tuy nhiên trẻ em học ngôn ngữ với tốc độ khác nhau, có bé biết nói sớm hơn, có bé biết nói chậm hơn. Mẹ mình bảo mình biết nói từ 10 tháng, trong khi em trai mình thì ngoài 1 tuổi mới biết nói :P). Mới đầu việc học từ vựng diễn ra chậm, nhưng sau khi các bé tích lũy được khoảng 50 từ thì bắt đầu … tăng tốc :D. Khi bé được một tuổi rưỡi trở ra, mỗi ngày bé có thể học đến 5 từ mới (tuy nhiên, xin nói lại lần nữa là trẻ em học với tốc độ khác nhau nên không cần phải quá lo lắng nếu em bé của mình học chậm hơn các bạn khác). Và cho đến khi vào lớp 1 thì vốn từ vựng của bé đã có khoảng 10-14,000 từ (đây là nói về trẻ em đơn ngữ. Trẻ em song ngữ có thể có khối lượng từ vựng trong mỗi ngôn ngữ ít hơn so với trẻ em đơn ngữ vì không phải em nào cũng có cơ hội được sử dụng cả hai ngôn ngữ ở mọi tình huống giống nhau). Đến khi tốt nghiệp phổ thông thì vốn từ vựng đã rất phong phú, khoảng 50,000 từ.
Trẻ học từ vựng & ngữ pháp thế nào?
Về mặt hình thái học và ngữ pháp, làm thế nào để bé nắm vững được những quy luật hết sức phức tạp của ngôn ngữ? Việc học này diễn ra hoàn toàn tự nhiên, và tất nhiên có vai trò lớn của khả năng nhận thức. Hay nói cách khác, phát triển ngôn ngữ và phát triển nhận thức ở trẻ em gắn bó chặt chẽ và có tác động qua lại với nhau.
Nhà nghiên cứu Brown quan sát 3 trẻ em người Anh học tiếng mẹ đẻ và phát hiện ra các em học hình vị trong tiếng Anh theo một thứ tự nhất định. Điều thú vị là khi nghiên cứu này lặp lại ở trẻ em học tiếng Anh như ngôn ngữ hai thì cũng tìm được kết quả tương tự, mặc dù thứ tự này có một vài điểm khác với thứ tự của trẻ em bản ngữ tiếng Anh.
Ví dụ, các em đều đắc thụ dạng thức -ing của động từ trước khi đắc thụ dạng thức số nhiều của danh từ hoặc dạng thức quá khứ của động từ. Các nhà nghiên cứu lý giải rằng việc học ngôn ngữ ban đầu của trẻ em gắn với những sự kiện hàng ngày của các em, và hết sức cụ thể, không tách rời ngữ cảnh “ở đây và bây giờ” (now and here). Các em học được dạng thức -ing đầu tiên là bởi khi chơi với các em bố mẹ thường hay dùng dạng thức này để mô tả các hiện tượng đang diễn ra. Và các em chỉ học được thời quá khứ (một khái niệm đã tách khỏi ngữ cảnh “ở đây và bây giờ”) khi đã có khái niệm trừu tượng về thời gian.
Tương tự, nghiên cứu trong nhiều ngôn ngữ cho thấy trẻ em học câu hỏi what/ where/ who trước khi học được câu hỏi when & why, vì các em có khái niệm “thời gian” và “nhân quả” muộn hơn so với khái niệm “ai/ cái gì/ ở đâu” (gắn liền với ngữ cảnh cụ thể “ở đây và bây giờ”).
Hoặc khi yêu cầu các em nhỏ dưới 6 tuổi đưa ra một định nghĩa về một từ vựng, thường các em chỉ có thể miêu tả những tính chất cụ thể của từ đó, chứ không thể khái quát hóa và liên hệ nó với các từ vựng khác. Khả năng này chỉ có được khi nhận thức về thế giới của các em đã phát triển hơn.
Thí nghiệm WUG số nhiều
Trở lại câu hỏi làm thế nào trẻ em học được các quy luật hết sức phực tạp của ngôn ngữ? Ví dụ, làm thế nào các em học được khái niệm số ít/ số nhiều của danh từ trong tiếng Anh? Các em sẽ học từ “apples” như là 1 đơn vị từ vựng (coi như 1 từ) hay là các em biết apples được cấu tạo từ apple + s?
Một thí nghiệm khá nổi tiếng đã cho câu trả lời về vấn đề này. Nhà nghiên cứu tạo ra 1 số từ vô nghĩa, ví dụ như wug & niz để đảm bảo các em chưa nghe thấy bao giờ. Các em nhỏ từ 4 đến 7 tuổi được cho xem một bức tranh có 1 con wug (1 con chim) và nghe miêu tả: This is a wug. Sau đó các em được xem bức tranh có 2 con wug và được nghe miêu tả: Now there’s another one. There are two ____ và phải điền từ vào chỗ trống.
Kết quả: 90% trẻ em khảo sát đã điền được từ wugs. Điều này có nghĩa là gì? Có nghĩa là các em đã khám phá được quy luật hình thái học để cấu tạo danh từ số nhiều. Đối với các em apples không phải là 1 từ vựng riêng biệt mà là 1 hình thái khác của apple.
Việc khám phá này diễn ra hoàn toàn tự nhiên, không cần được ai dạy. Các nhà ngôn ngữ theo trường phái của Chomsky coi đây như bằng chứng cho thấy khả năng học ngôn ngữ là khả năng bẩm sinh của con người, mà chỉ có con người mới có được (những nỗ lực dạy ngôn ngữ con người trong đó có sử dụng cả ngôn ngữ ký hiệu cho loài tinh tinh hay loài vẹt đều thất bại). Và rằng khả năng học ngôn ngữ đã được lập trình sẵn trong não. Chương trình này chỉ cần tiếp xúc với đầu vào ngôn ngữ là có thể được kích hoạt.
Khả năng khám phá quy luật ngôn ngữ của trẻ em còn thể hiện ở những lỗi “khái quát hóa” rất dễ thương của các em. Ví dụ các em bé con bạn tôi ở bên này thường hay mở rộng dạng thức -ing của động từ trong tiếng Anh sang tiếng Việt, ví dụ bảo mẹ “Mommy, I’m tắm-ming”. Trẻ em người Anh thì có thể nói “I’m supermanning” (khái quát từ danh từ “superman”) hoặc dùng động từ quá khứ sai, ví dụ I seed a lion (thay vì I saw a lion). Những lỗi này cho thấy các em đang tham gia tích cực vào việc tìm ra các quy luật ngôn ngữ và thử nghiệm chúng :).
Ví dụ trong ngôn ngữ khác
Nếu mà nghĩ đến các ngôn ngữ có hệ thống ngữ pháp hết sức phức tạp thì mới thấy việc học ngôn ngữ của trẻ em diễn ra kỳ diệu như thế nào. Ví dụ trong tiếng Nga có cả thẩy là 6 cách của động từ, 3 giống và 2 số của danh từ. Mỗi khi sử dụng thì phải kết hợp sao cho phù hợp về giống, số, cách. Tiếng Pháp cũng có 3 giống và 2 số của danh từ, đòi hỏi khi sử dụng với tính từ phải phù hợp về giống và số. Hai ngôn ngữ này sử dụng rất khó, đòi hỏi phải đạt được mức độ kiểm soát chú ý cao mới sử dụng đúng như người lớn bản ngữ được. Vậy mà không cần ai dạy (các nghiên cứu cho thấy bố mẹ rất ít khi sửa lỗi ngữ pháp của con mà thường hay sửa lỗi ngữ nghĩa và ngữ dụng), trẻ em vẫn có thể nắm bắt một cách thuần thục. Tất nhiên, điều đó không có nghĩa là ở những năm đầu đời, các em đã đạt được độ hoàn hảo của ngôn ngữ người lớn. Nhưng có thể nói, trước khi các em đến trường thì đã có một số vốn rất cơ bản về ngôn ngữ mẹ đẻ rồi. Phần hoàn thiện các cấu trúc khó, các âm tiết khó, mở rộng từ vựng cũng như sắc thái ngữ nghĩa của từ vựng và trau giồi kỹ năng giao tiếp sẽ diễn ra trong giai đoạn tiếp theo.
[like-and-read]
Phần 2: Trẻ em học ngôn ngữ như thế nào? (2) (hay cha mẹ có nên cho con học tiếng Anh từ bé không?)
Thực ra lý do để mình viết note vừa rồi, và note này là vì bài báo trên Tuổi Trẻ online mà một số trung tâm ngoại ngữ đã trưng lên để lôi kéo phụ huynh gửi con đến học tiếng Anh với họ:
Mình cho rằng đây là một sự lạm dụng (dịch thế nào nhỉ, ý mình là misuse) các kết quả nghiên cứu vì những kiến thức này đã được họ áp dụng một cách không phù hợp, mà mình sẽ nói dưới đây.
Như đã nói ở note trước, trẻ em có một khả năng học ngôn ngữ kỳ diệu, mà người lớn không thể so sánh được. Trường hợp của các em bé bị tước đoạt ngôn ngữ (bị bỏ rơi và được thú rừng nuôi nấng, hay bị lạm dụng và tách biệt khỏi đời sống con người) cho thấy khi được đưa trở lại với đời sống con người ở lứa tuổi thiếu niên, các em không có khả năng nắm bắt được ngôn ngữ mẹ đẻ ở mức độ thuần thục như các bạn cùng lứa có điều kiện học tiếng mẹ đẻ từ khi mới chào đời nữa.
Các bạn có thể google hai trường hợp nổi tiếng vẫn được trích dẫn trong các tài liệu về phát triển ngôn ngữ là hai em bé Genie và Victor. Genie là một em bé bị ngược đãi và nhốt trong cũi trong phòng tối và bị cấm giao tiếp. Khi tìm được em đã 12 tuổi và bất chấp nỗ lực dạy dỗ của các nhà nghiên cứu, khả năng ngôn ngữ của em vẫn không vượt được 1 đứa trẻ lên 3. Victor là đứa trẻ hoang dã bị bỏ rơi và sống với thú rừng cho đến khi em được tìm thấy năm 11 tuổi. Cũng như Genie, Victor không vượt quá khả năng của một đứa bé đang học nói. [Tuy nhiên trường hợp của các em bé như Genie cần được xem xét cẩn thận vì có những yếu tố bất lợi khác cho việc học ngôn ngữ, như chậm phát triển nói chung về nhận thức, sang chấn tâm lý].
Hoặc các nghiên cứu về trẻ em và người lớn nhập cư vào các nước nói tiếng Anh cho thấy có mối quan hệ giữa tuổi bắt đầu học ngôn ngữ và mức độ thuần thục trong ngôn ngữ đó. Theo đó việc bắt đầu học ngôn ngữ hai từ khi còn nhỏ tuổi cho kết quả khả quan hơn so với việc bắt đầu khi đã lớn tuổi.
Điều này khiến nhiều nhà nghiên cứu tin vào giả thuyết rằng có một giai đoạn nhất định trong cuộc đời để học ngôn ngữ, mà khi đã quá giai đoạn đó việc học ngôn ngữ trở nên khó khăn và năng lực bản ngữ là điều không thể đạt được nữa. Ví dụ, chúng ta có thể quan sát thấy trẻ em nhập cư dễ dàng bắt chước được giọng bản ngữ hơn là bố mẹ chúng. Người lớn khi học ngôn ngữ hai thường để lại dấu ấn tiếng mẹ đẻ trong cách phát âm và dùng ngữ điệu (accent). Trẻ em thường ít gặp phải vấn đề này hơn. Giai đoạn này hoàn thiện khi chức năng ngôn ngữ được khu biệt về bán cầu não trái (khoảng 6 tuổi).
Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây không cho rằng có sự đóng lại đột ngột của giai đoạn này. Nói cách khác, khả năng học ngôn ngữ không đột ngột biến mất sau 6 tuổi mà nó giảm từ từ). Đây là quan điểm của những nhà ngôn ngữ như Chomsky, người cho rằng việc học ngôn ngữ có tính sinh học và diễn ra theo trình tự tự nhiên. Có nghĩa là mọi em bé đều có khả năng học bất cứ ngôn ngữ nào mà các em được tiếp xúc thường xuyên từ khi ra đời. Một em bé Việt Nam sinh ra và lớn lên ở Mỹ có thể học tiếng Anh ở mức độ thuần thục như người Mỹ. Đây là một đoạn video mà mình hay cho sinh viên xem:
http://www.youtube.com/watch?v=ZZOPI7DzfUY
Em bé này có khả năng rất đặc biệt. Em nói được rất nhiều ngôn ngữ, tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Trung Quốc, tiếng Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ả Rập, vv. Tất nhiên đây là trường hợp rất đặc biệt và em bé này rất có năng khiếu (không phải ai cũng có năng khiếu này). Năng khiếu của em đã được kích hoạt khi được tiếp xúc với những ngôn ngữ này từ rất sớm. Theo báo chí thì bố em là bác sỹ và bệnh nhân của ông nói các ngôn ngữ khác nhau. Em bé thường đến chỗ làm việc của bố và chơi với các bệnh nhân, từ đó học nói các ngôn ngữ khác nhau.
Trong môi trường song ngữ/ đa ngữ, việc trẻ em có thể nói được nhiều ngôn ngữ khác nhau mà không nhầm lẫn là điều hết sức bình thường (tuy có những trường hợp mới đầu các bé có thể học nói chậm hơn các bé đơn ngữ vì não của các bé còn phải phân biệt các ngôn ngữ khác nhau trước khi có thể sắp xếp chúng vào những “ngăn” khác nhau và bắt đầu sử dụng). Trẻ em song ngữ/ đa ngữ có thể chuyển đổi giữa các ngôn ngữ một cách hoàn toàn tự động và dễ dàng.
Những điều mà bài báo trên Tuổi Trẻ Online nói đều đúng. Tuy nhiên, chúng ta cần nhớ rằng đó chỉ là trường hợp của những em bé học ngôn ngữ trong môi trường tiếng. Ví dụ như Singapore, nơi sử dụng 4 ngôn ngữ chính thức và sử dụng tiếng Anh trong giáo dục, hành chính, nhà nước. Các em bé Singapore sinh ra trong môi trường bố mẹ nói tiếng Anh và tiếng dân tộc (ethnic language) thường xuyên ở nhà được coi là có hai ngôn ngữ mẹ đẻ. Việc học ngôn ngữ của các em vì thế được hỗ trợ rất nhiều: ở nhà, ở trường, ngoài xã hội, các em luôn có cơ hội để nghe và sử dụng các ngôn ngữ đó. Do đó việc học mới trở nên dễ dàng.
Nhưng ngay cả khi có môi trường như thế thì việc có thể sử dụng hai ngôn ngữ giỏi như nhau trong mọi lĩnh vực của cuộc sống (balanced bilinguals) cũng rất khó đạt được. Trên thực tế, những người như vậy trên thế giới rất hiếm. Bởi đơn giản là rất hiếm người có được điều kiện sử dụng cả hai ngôn ngữ một cách thường xuyên như nhau ở tất cả các lĩnh vực sử dụng.
Thường thì một ngôn ngữ sẽ được dùng ở nhà (ví dụ tiếng Việt đối với trẻ em người Việt nhập cư ở các nước nói tiếng Anh), và một ngôn ngữ được sử dụng trong giáo dục và giao tiếp xã hội (ví dụ tiếng Anh đối với những em bé nhập cư này). Do đó, khi lớn lên các em có thể đạt được mức độ thuần thục khi giao tiếp bằng tiếng Việt trong các tình huống quen thuộc nhưng chưa chắc đã có thể sử dụng tiếng Việt thuần thục trong giáo dục (ví dụ viết văn bằng tiếng Việt hay diễn thuyết về một đề tài chuyên môn bằng tiếng Việt).
Tuy nhiên, dù thế nào thì đối với những em bé sống trong xã hội song/ đa ngữ như kể trên, việc học các ngôn ngữ khác nhau là việc diễn ra hết sức tự nhiên do đòi hỏi tự nhiên của môi trường (cần học để giao tiếp trong gia đình và ngoài xã hội). Điều này hoàn toàn khác với việc học tiếng Anh của trẻ em Việt Nam ở Việt Nam, nơi mà ngôn ngữ duy nhất chúng ta cần cho giao tiếp trong gia đình lẫn ngoài xã hội là tiếng mẹ đẻ. Và ngôn ngữ duy nhất chúng ta tiếp xúc thường xuyên từ khi lọt lòng cũng là tiếng mẹ đẻ.
Vậy vấn đề đặt ra là ở Việt Nam có cần và có nên cho con học tiếng Anh từ khi mới lọt lòng hay không? Hay là khi nào thì nên bắt đầu cho con học tiếng Anh và học ở mức độ nào là vừa phải?
Mình nhớ hôm trước có đọc được một bài báo nói về một cô MC truyền hình nào đó ở Việt Nam. Cô này khoe rằng ở nhà chỉ nói tiếng Anh với con, mặc dù em bé này mới lọt lòng mẹ. Mình thấy hết sức là buồn cười vì điều này rất phi tự nhiên. Ngoài ra mình thấy lo lắng cho sự phát triển ngôn ngữ lẫn tâm lý của đứa bé.
Làm mẹ bằng ngôn ngữ hai là điều rất khó, và có thể để lại hậu quả tiêu cực. Trong một bài viết kể lại về kinh nghiệm làm mẹ của mình, một nhà ngôn ngữ học người Canada đã chia sẻ rằng gia đình cô muốn các con nắm vững được “ngôn ngữ thừa kế” (heritage language) của người bố là tiếng Nhật, nên đã áp dụng chính sách “một ngôn ngữ” trong những năm đầu đời của các con. Tuy nhiên, cô cảm thấy việc làm mẹ bằng ngôn ngữ hai đã tước đoạt vai trò người mẹ của cô.
Vốn liếng tiếng Nhật không đủ để cho phép cô sử dụng ngôn ngữ một cách tinh tế để thể hiện tình cảm của người mẹ với con như các bà mẹ người Nhật khác. Cô không biết cách sử dụng ngôn ngữ quyền lực khi kỷ luật con. Có những giá trị văn hóa mâu thuẫn trong hai ngôn ngữ mà cô không biết xử lý thế nào. Ví dụ tiếng Nhật phân biệt giới tính rõ rệt trong khi là một người phương Tây cô tin vào bình đẳng giới. Nhưng khi sử dụng tiếng Nhật thì cô phải dùng ngôn ngữ chuẩn theo cách người Nhật, trong khi cô lại không muốn xây dựng hình ảnh một người mẹ như vậy trong mắt các con. Có những giá trị văn hóa phương Tây cô không thể dạy cho các con nếu truyền tải bằng ngôn ngữ tiếng Nhật.
Và cô cảm thấy mình đánh mất sự liên kết với các con.
Đó chỉ là một ví dụ trong muôn vàn ví dụ về sự khó khăn khi phải dạy con bằng ngôn ngữ mình không thuần thục.
Một ví dụ khác mà mình thấy khá điển hình trong các gia đình nhập cư, đó là việc bố mẹ và con cái gặp khó khăn trong giao tiếp, dẫn đến hậu quả là đứa trẻ tự co mình khi ở nhà và chỉ trở nên vui vẻ khi được hòa nhập với các bạn ở trường. Một chị bạn mình kể lại rằng con trai của bạn chị ấy sinh ra và lớn lên ở Úc. Như các bố mẹ nhập cư khác, bố mẹ ép cháu phải nói tiếng Việt ở nhà để giữ được “ngôn ngữ thừa kế”.
Chị kể lại rằng mỗi khi ở nhà, cháu bé rất ít nói vì tuy cháu có thể hiểu tiếng Việt, cháu không thể diễn đạt một cách thoải mái những câu phức tạp trong ngôn ngữ này. Chỉ đến khi chị bắt đầu nói chuyện với cháu bằng tiếng Anh thì cháu mới hoạt bát trở lại và “như biến thành một con người khác hoàn toàn” (nguyên văn lời chị kể).
Trở lại trường hợp cô MC nói trên, rất có thể cô ây sẽ gặp phải một trong những rắc rối mà mình vừa kể. Việc cô ấy ép buộc em bé phải nghe và nói tiếng Anh rất giống với việc cha mẹ nhập cư bắt con giao tiếp với mình bằng tiếng mẹ đẻ, thứ ngôn ngữ mà đứa trẻ kém thông thạo hơn (1). (Tuy nhiên, trường hợp thứ hai còn có lý do chính đáng, chứ mình không thấy có lý do chính đáng nào để bắt một em bé Việt Nam sống ở Việt Nam phải nói chuyện với cha mẹ bằng tiếng Anh cả).
Em bé của cô ấy rất có thể cũng sẽ phản ứng như đứa bé trong câu chuyện trên. Đó là mình còn chưa nói việc cô ấy tước đoạt cơ hội học tiếng mẹ đẻ của em bé trong giai đoạn tối quan trọng của cuộc đời em bé còn có thể dẫn đến việc em bé không thể phát triển ngôn ngữ mẹ đẻ một cách hoàn thiện khi lớn lên. Điều đó mới là nguy hiểm.
Ngoài ra, mình không biết khả năng tiếng Anh của cô MC này thế nào. Nếu tiếng Anh của cô ấy không chuẩn thì kết quả sẽ càng tồi tệ. Nên nhớ rằng, một đứa trẻ lớn lên trong môi trường song ngữ còn có tiếp xúc ngôn ngữ chuẩn ở nhà trường và ngoài xã hội để bù đắp cho sự thiếu hụt từ cha mẹ. Chứ một em bé lớn lên ở VN thì không có điều kiện ấy. Cuối cùng, để kết thúc note này, mình trở lại với câu hỏi vậy có nên dạy trẻ em tiếng Anh quá sớm không? Câu trả lời là “Để làm gì?”
Trẻ em Việt Nam lớn lên ở Việt Nam không có điều kiện tự nhiên như trẻ em lớn lên trong môi trường song/ đa ngữ, cho nên không có gì đảm bảo rằng những lợi ích của việc học hai ngôn ngữ từ sớm như bài báo trên kia đề cập có thể áp dụng cho trẻ em Việt Nam ở Việt Nam.
Trong trường hợp xấu, tâm lý và tính cách của đứa trẻ còn có thể bị ảnh hưởng như đã nói. Ngoài ra, khả năng nhận thức được phát triển tốt nhất thông qua ngôn ngữ mà đứa trẻ thành thạo nhất.
Mình cho rằng nhiệm vụ đầu tiên của mỗi đứa trẻ Việt Nam sống ở Việt Nam là nắm cho vững ngôn ngữ mẹ đẻ. Không nắm vững ngôn ngữ mẹ đẻ sẽ là một thiệt thòi khi đi học, bởi ở trường, các kỹ năng và môn học được dạy bằng tiếng Việt. Và các giao tiếp xã hội đều cần tiếng Việt.
Trừ khi bạn có có dự tính cho con học trường Tây từ mẫu giáo và lớn lên thì sang hẳn Tây sinh sống thì mới nên dạy tiếng Anh cho bé song song với việc dạy tiếng Việt. Nhưng nhớ rằng không có gì đảm bảo là con bạn sẽ học được cả hai ngôn ngữ 1 cách thuần thục, trừ khi bạn xây dựng một môi trường nhân tạo để con bạn có động cơ và điều kiện tiếp xúc với đầu vào ngôn ngữ chuẩn trong cả hai ngôn ngữ và sử dụng cả hai ngôn ngữ với tần suất sử dụng gần như nhau.
Còn nếu không thì không để làm gì cả. Đợi bé lớn lên, học tiếng Anh cũng chưa muộn.
Ghi chú:
(1) Ở những gia đình mà cha mẹ đầu tư để dạy con nắm vững ngôn ngữ thừa kế thì vấn đề này sẽ ít có khả năng xảy ra hơn.
[/like-and-read]
Comments
TedX Speaker YoutubeGlobal First Prize IELTS Teacher @ IATEFL United Kingdom 2018 awarded by IELTS.org, Cambridge University, British Council...
First-prize Winner of #InnovationForGood Award
MC, Scriptwriter, Director & Producer
Co-founder, Scriptwriter, Academic Advisor @ 8IELTS VTV7
SSEAYP - Ship for Southeast Asian and Japanese Youth Program 42's VPY
AAS Australia Awardee @ Monash University
IELTS Highscorer: 9S 9L 9R 8.5W
Latest posts by Andy Nova
(see all)