Một vài kinh nghiệm xin học bổng Fulbright.
Khi mình xin học bổng Fulbright 2015-2016, mình đã nhận được khá nhiều sự giúp đỡ từ các Fulbrighter đi trước. Số mình cũng thuộc dạng may, vì mình có một số bạn bè Fulbrighters, hoặc không phải Fulbright thì cũng grantee của một số học bổng dạng merit-based như vậy, nên những sự giúp đỡ nhận được đúng kiểu “cây nhà lá vườn”, kiểu thân tình – dễ vào, dễ thấm.
Nay nhân dịp Fulbright 2017 chính thức khởi động, mình sẽ viết một bài để chia sẻ cho các bạn đi sau, mong sẽ giúp ích được gì đó.
Vì mình ngại bố cục bài viết, nên mình sẽ viết theo dạng Q&A, cho dễ theo dõi. Có phần nào chữa rõ, các bạn để lại dưới phần comment mình sẽ trả lời rõ hơn.
1. Bạn chưa biết bắt đầu phải đi từ đâu?
Các bạn nên bắt đầu bằng việc tìm hiểu tiêu chí của Fulbright, xem các bạn có những điểm gì, chưa có những điểm gì – “Biết mình biết ta, trăm trận trăm thắng”, google những bài chia sẻ kinh nghiệm của những người đi trước.
Tiếp đến là thi tiếng Anh, note tất cả những ý tưởng cho bài luận ra giấy, ra điện thoại – chờ đến ngày đặt bút viết.
Nếu có thời gian, liên lạc với 1 số Fulbrighters đi trước, mời họ cà phê, trò chuyện. Hỏi về kinh nghiệm chỉ là 1 phần, mà bạn nên để ý quan sát con người họ, như tính cách, cách nói chuyện, quan điểm trong các vấn đề…, điều này còn giúp ích các bạn rất nhiều ở vòng phỏng vấn. Theo quan sát của mình khi tìm hiểu về các Fulbrighters, có một điều mình rút ra từ các người đi trước – khi họ học xong – quay về Việt Nam, họ có thể thành công hoặc không, hoặc chưa làm được những việc như kì vọng, nhưng họ có một điểm chung: không NHẠT.
Lời khuyên nữa cho các bạn là Start early. Mình chuẩn bị hồ sơ trước cả 1 năm, nên chuẩn bị sớm phần nào là bí quyết thành công của mình.
2. Tại sao mình chọn Fulbright, không phải các học bổng khác?
Thực sự thì khi lên kế hoạch xin học bổng du học, mình cũng có ngắm nghía tham khảo một số học bổng khác. Có một số cái cũng nộp hồ sơ, có cái cũng vào được đến vòng phỏng vấn, nhưng chắc không hợp tiêu chí với họ và cả mình cũng tự cảm thấy, mình đến với các học bổng đó khá hời hợt, nên thôi – thua.
Riêng Fulbright, khi mình tham khảo nó, thì mình có cảm nhận rất rõ, đây là học bổng dành cho mình. Theo mình, mỗi học bổng đều có những tiêu chí riêng, bạn không hợp với cái này, nhưng lại hợp với cái khác, nên dốc sức cái nào phù hợp với mình thôi, đừng rải hồ sơ – mất thời gian.
Với Fulbright, mình hoàn toàn phù hợp với các tiêu chí của nó, từ ngành nghề, kế hoạch cho tương lai và cả yếu tố con người nữa. Mình luôn tự tin, mình đủ “quái” để Fulbright committee để ý đến.
3. Báo chí văn hoá mà vẫn xin được học bổng Fulbright. Thật vậy sao?
Câu hỏi này mình được một bạn inbox hỏi cách đây khá lâu. Thực tế, Fulbright không phân biệt nghề nghiệp hay lĩnh vực nào cả, vấn đề là bạn phải thuyết phục được những người chấm hồ sơ và những gì bạn trình bày trong vòng phỏng vấn.
Nếu trong đầu bạn chưa có một ý niệm cụ thể gì về công việc mình làm, và công việc của bạn đóng vai trò gì trong xã hội thì dù bạn có làm lĩnh vực gì cũng vậy thôi, không nên xin học bổng làm gì. Không riêng gì Fulbright, mà các học bổng khác cũng vậy, nó là một “con đường” dài và rất nhiều người nản chí dọc đường. Đừng phí thời gian.
Quay lại với lĩnh vực của mình, mình đã xây dựng một kế hoạch (short term và long term vision) dựa trên chuyên môn của mình, gắn liền với đơn vị mình công tác và cả những hoạt động cá nhân nữa. Một kế hoạch chặt chẽ, khả thi và có sức ảnh hưởng xã hội sẽ thuyết phục được hội đồng.
4. Điểm tiếng Anh có quan trọng không?
Vì Fulbright cấp học bổng cho các ngành khoa học xã hội, mà một điều dễ dàng nhận thấy khi sang đây học, đó là câu nói: “tiếng Anh chỉ là công cụ” – chắc chỉ đúng với các bạn học kĩ thuật hoặc khoa học tự nhiên, các ngành xã hội thì tiếng Anh cực cực cực quan trọng.
Riêng Fulbright, các bạn cần nộp điểm tối thiểu TOEFL iBT = 79; IELTS = 6.5 là đủ điều kiện. Nếu bạn nào chưa thi tiếng Anh, thì lời khuyên dành cho các bạn là nên thi luôn TOEFL iBT vì dù bạn có nộp IELTS thì khi bạn được chọn để cấp học bổng, các bạn vẫn phải thi TOEFL iBT.
Theo mình, bài thi TOEFL iBT khó hơn IELTS. Ôn thi TOEFL IBT mệt hơn, căng thẳng hơn, nhưng đề thi lại smart hơn.
5. Thư giới thiệu có cần người chức càng to, càng tốt?
Chả cần thiết. Người viết thư giới thiệu phải hiểu bạn, liên quan đến lĩnh vực của bạn và hiểu rõ bạn sẽ làm được gì. Vì các bạn phải có 3 thư giới thiệu nên các bạn có 3 cơ hội để “tiếp thị” hình ảnh của bạn tới hội đồng. Cho nên hãy chọn 3 người hiểu về bạn ở 3 khía cạnh khác nhau, cũng như nhìn nhận công việc và kế hoạch của bạn ở 3 góc nhìn, quan điểm khác nhau. Như vậy, sẽ hiệu quả hơn nhiều so với 3 bức thư na ná nhau.
Ví dụ, lĩnh vực của mình là báo chí – focus vào art. Mình đã chọn 1 tổng biên tập viết thư, một nghệ sĩ viết (ca sĩ Trần Thu Hà), một người trong lĩnh vực báo chí có tầm nhìn bao quát xu hướng báo chí Việt Nam và quốc tế (Nguyễn Danh Quý – Editor in Chief của ELLE Vietnam). Bác Tổng biên tập sẽ đánh giá mình ở khía cạnh chuyên môn báo chí; ca sĩ Hà Trần sẽ đánh giá mình ở yếu tố hiểu biết (có thể, cả hạn chế) về nghệ thuật, anh Quý đánh giá về khả năng hiểu biết, hoà nhập xã hội cũng như học tập của mình ở môi trường quốc tế.
Qua đây, lại xin cảm ơn 3 nhân vật trên một lần nữa vì sự giúp đỡ hết sức thân tình và nhiệt tình.
6. Bài luận nên viết gì và cấu trúc như thế nào?
Đây là mấu chốt của sự thành công. Mỗi người có con đường riêng đến với sự thành công, nhưng tựu chung, bài luận ý tứ phải rõ ràng, câu cú đơn giản dễ hiểu và tránh trình bày chung chung, mọi thứ cần phải cụ thể. Các bạn có thể nhờ người review và sửa lại, nhưng “có bột mới gột nên hồ” – các bạn không có ý gì trong bài luận thì ai sửa cũng vậy thôi. No way.
Riêng mình, mình chọn creative writing cho bài Personal statement bằng cách viết thư dạng “xuyên không” (trendy tiểu thuyết Trung Quốc vãi). Mình từ tương lai, khi đã nhận được Fulbright, học xong rồi và thực hiện những kế hoạch của mình rồi, quay về quá khứ – nhìn mình từ những lúc mới ra trường, gặp khó khăn gì trong công việc cho đến khi quyết định xin Fulbright để nâng cao kiến thức như thế nào. Bằng cách này, mình vừa giới thiệu được background của mình mà không khô cứng như viết biography, và khoe được kế hoạch của mình – với mục đích, khiến hội đồng tò mò đọc tiếp bài luận tiếp theo (cụ thể hơn về kế hoạch tương lai), song song là khiến họ tò mò, muốn biết con người thực ngoài đời của mình.
Riêng bài Objective statement, mình chọn cách viết essay: gồm Introduction, body và conclusion. Ở phần body, mình trình bày theo lối diễn giải, và theo thứ tự Firstly, Secondly, … xong đến topic sentence và supporting sentence. Ở bài luận này, nếu các bạn trình bày chung chung thì xem như “tạch” sớm. Hội đồng muốn xem các bạn hiểu thế nào về kế hoạch đề ra, nên hãy cụ thể mọi thứ.
Một bài viết ở dạng creative, và 1 bài essay là cách mình balance – tránh “bay” quá – lại thành “bay đi cao quá, xa quá”.
7. Trả lời như thế nào ở vòng phỏng vấn?
Đây cũng là vòng cực kì quan trọng. Tuỳ vào background và nghề nghiệp của mỗi người, sẽ có cách trả lời phỏng vấn khác nhau. Mình thì trc khi phỏng vấn, có làm mock interview với vài người như Minh Beta, có mấy bác Tây… nhằm chuẩn bị tâm lý, nhưng mình là nhà báo nên mình tự chọn cho mình cách trả lời kiểu riêng mình.
Theo mình, mình thành công bởi chuẩn bị tốt, phong độ tốt và hài hước.
Chuẩn bị tốt ở đây, là tự “mổ xẻ” hồ sơ của mình, xem hội đồng sẽ hỏi mình những cái gì. Cái này cần critical thinking, khi bạn đọc 1 dòng – bạn sẽ tự phản biện những gì trong dòng đó. Ví dụ, mình từng viết rằng – “tôi sẽ tiếp tục làm báo in”, phải nghĩ ngay được: “Thời đại này là digital, tại sao cậu vẫn đi làm báo in?”…
Riêng về phong độ tốt, thì cái này khó nói lắm. Như mình thì ăn đều, ngủ khoẻ, tập gym không sót ngày nào, là có phong độ tốt ngay.
Hài hước? Ai chơi với mình ở ngoài thì biết, mình hay nói mấy câu nhảm nhảm, hoặc nghĩ ra mấy cái tình huống giả định điên điên. Khi vào phỏng vấn, nếu mình không phải là mình, thì mình sẽ hơi thiếu thoải mái và sẽ thiếu cả tập trung nữa, mà thiếu tập trung là “tạch” ngay. Cái này thì tuỳ cơ ứng biến, miễn đừng vô duyên quá. Mình từng bảo với hội đồng là, hãy đọc báo in vì báo in chứa đựng những lời vàng ngọc của những người sắp chết. Nói chung, có nhiều câu bá đạo lắm vì mình thấy hội đồng có mấy lần cười nghiêng ngả.
Thái độ trong phòng phỏng vấn cũng cực kì quan trọng, bạn nên tập trung, vui vẻ, chân thành và cầu thị.
Qua bài viết này, một lần nữa xin cảm ơn những người đã giúp đỡ mình trong “con đường” xin Fulbright: một bác tổng biên tập (xin được giấu tên); ca sĩ Hà Trần (viết thư giới thiệu); anh Quý (viết thư giới thiệu); anh Nhím (tham khảo cách trả lời phỏng vấn); nhạc sĩ Quốc Trung (tham khảo một số câu hỏi phỏng vấn); Zelda Gin (review bài luận); Minh Beta (review bài luận và làm mock interview); bác Zack (mock interview); Thuỳ Trang (mock interview); thầy Vũ (mock interview); chị Cẩm Giang (Fulbrighters)… và một số người đồng hành như Jun; Amy Nguyễn và Phương.
Giờ thì ai quan tâm, xin nhấn vào đây và bước vào cuộc hành trình Fulbright của năm nay: http://vietnam.usembassy.gov/fvst.html
Comments
- Andy’s 2nd TedX Talk – Success! - 2019-08-02
- Andy’s incoming 2nd TedX Talk - 2019-08-02
- Thử đọc Tuyên Ngôn Độc Lập bằng Tiếng Anh – Vietnam’s Proclamation of Independence in English - 2019-05-19